TÒA NHÀ VĂN PHÒNG
Thị trường văn phòng cho thuê tụt dốc. Hầu hết các tòa nhà văn phòng đều để bảng cho thuê.
Ngày đăng: 29-07-2013
1163 lượt xem
Thị trường văn phòng cho thuê “tụt dốc thảm hại”. Hầu hết các tòa nhà văn phòngđều để bảng cho thuê, xoay đủ cách để tìm kiếm khách thuê mới và điều chỉnh giám giá liên tục cho các khách thuê cũ.
Theo thống kê mới đây, nhiều tòa nhà văn phòng tại TP HCM chưa hoàn thiện đối mặt với “cái chết lâm sàng”. Cụ thể các tòa nhà trên đường Hồ Văn Huê phường 9, quận Phú Nhuận; một số tòa nhà trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa; tòa nhà trên đường Thạch Thị Thanh, phường Tân Định, quận 1; tòa nhà trên đường Nguyễn Hữu Cầu, phường Tân Định, quận 1, TP HCM.
Thực tế các tòa nhà gặp khó khăn trong việc hoàn thiện chủ yếu thiếu nguồn vốn hay bất lực trong việc thu xếp các nguồn tài chính mới, sẽ tiếp tục gây khó khăn không nhỏ cho các chủ đầu tư bất động sản văn phòng.
Các chủ đầu tư đã hoàn thiện các tòa nhà có nhu cầu cho thuê nguyên căn gần như đứng im tại chỗ 2 - 3 năm nay. Triển vọng cho thuê nguyên căn khó khả thi vào giai đoạn này, chẳng hạn như các tòa nhà trên đường Lê Trung Nghĩa, phường 13, quận Tân Bình; tòa nhà trên đường Nguyễn Xí, phường 26, quận Bình Thạnh; tòa nhà trên đường D5, phường 26, quận Bình Thạnh.
Thống kê cho thấy, nguồn cung văn phòng mới và nguồn cung từ diện tích trống của các tòa nhà văn phòng cũ tương đối dồi dào, với tỷ lệ trống trung bình mặt bằng chung của thị trường hạng A khoảng 50-60%; hạng B khoảng 50-70%; hạng C khoảng 50-60%...
Thị trường văn phòng Hà Nội cũng đối mặt với nguồn cung lớn từ các tòa nhà đang và sắp đi vào hoạt động.
Theo thống kê của CBRE Việt Nam, khu vực trung tâm chứng kiến sự thay đổi lớn về diện tích trống. Tỷ lệ trống của phân khúc hạng A tăng mạnh từ 5% lên đến 24%, chủ yếu do một văn phòng mới hoàn thành. So với toàn bộ thị trường văn phòng hạng A, diện tích trống lên tới 30%, còn hạng B tỷ lệ trống giảm xuống còn 19% trong quý một năm nay.
Một số tòa nhà có tỷ lệ trống lớn như Keangnam tới gần 50%, Hòa Bình Tower 25%, khu vực phía Tây, diện tích cho thuê thấp hơn, đạt 14%.
Diện tích trống của thị trường văn phòng hạng B giảm từ 22% tại quý 4 năm trước xuống 19% tại quý 1 năm nay. Dự báo trong trong thời gian tới, thị trường sẽ xuất hiện nguồn cung mới đạt 490.000 m2.
Môi giới bỏ cuộc
Mảng cho thuê văn phòng “đóng băng” nên hầu hết các nhà môi giới văn phòng cá nhân và công ty môi giới đã rời bỏ khỏi thị trường do không có giao dịch và nguồn thu. Đối một số môi giới lớn, dù vẫn có khách nhưng tỷ lệ chốt giao dịch thành công quá thấp nên nhà môi giới không thu được phí. Trong khi đó, chi phí hoạt động, ngoại giao của công ty môi giới và nhà môi giới cá nhân khá cao và áp lực tài chính.
Theo đại diện của một công ty bất động sản, trong tổng số hơn 80 đại lý phân phối văn phòng của công ty này trong giai đoạn cao điểm 2008-2009 thì hiện nay con số này chỉ còn 3-5 đại lý. Từ đầu năm 2013 đến nay, gần như không ghi nhận giao dịch thành công nào cho đại lý trong khi lượng khách giới thiệu cũng rất thấp, trung bình khoảng 3-5 khách/tháng.
Giá thuê văn phòng cũng lao dốc thảm hại, khách thuê trong nội bộ phân khúc tòa nhà, cao ốc văn phòng tiếp tục dịch chuyển mạnh theo hướng siết chặt chi tiêu, dịch chuyển từ tòa nhà cũ giá cao qua tòa nhà mới giá thấp; từ văn phòng lớn kêu gọi bạn bè, đối tác vào thuê chung, chia sẻ giá thuê, và các loại phí liên quan.
Đánh giá của CBRE Việt Nam, tại Hà Nội xu hướng giảm giá bắt đầu từ năm 2010 và không có dấu hiện nào của thị trường cho thấy giá chạm đáy, điều mà đang xảy ra tại thị trường TP HCM. Đối với những khách thuê có thời hạn hợp đồng chấm dứt vào năm 2013, yếu tố quyết định là thời gian.
Ông Phạm Hoàng Hữu Bắc, một nhà kinh doanh bất động sản trong lĩnh vực cho thuê văn phòng, cho rằng thị trường văn phòng thừa cung, thiếu cầu trong ngắn hạn cũng như trung hạn, dẫn đến việc thị trường văn phòng tiếp tục điều chỉnh giá theo hướng giảm để cung và cầu gặp nhau. Việc đánh giá thị trường văn phòng đã chạm đáy vào thời điểm này là không có cơ sở.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Copy biểu tượng vào khung comment